Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Vạch mặt những thế lực mới nổi của làng game Việt Nam!

Vạch mặt những thế lực mới nổi của làng game Việt Nam!

Từ năm 2011 trở lại đây, thị trường Game Việt xuất hiện khá nhiều công ty mới, nhỏ gọn và nhiều nhân sự làm game giỏi. Các công ty này đã đạt được những thành công thần kỳ cùng các webgame và tạo nên một xu hướng giải trí game mới, giúp ngành game Việt phần nào hồi phục sức nóng sau 2 năm “ngủ quên” vì chờ chính sách.
NPH mới - Họ là ai?


Các nhà phát hành game mới xuất hiện như SGame, SSGroup, Vivoo, CMN Game G247… trên thị trường GO trong thời gian gần đây đã tạo dấu ấn rõ nét với hàng loạt sản phẩm webgame đình đám như Tam Quốc Truyền Kỳ, Chân Long Giáng Thế, Cầu Trường Rực Lửa, Nhất Kiếm…. Sở dĩ có được thành công như vậy là bởi phần lớn các nhân sự làm game ở các công ty nhỏ đều xuất thân từ “lò đào tạo” điều hành game hàng đầu Việt Nam như VNG, FPT hay VTC.


Sự phát triển của webgame đang làm nảy sinh nhiều NPH mới toanh tại Việt Nam.
Với bộ máy cơ cấu tinh gọn, vốn đầu tư thấp, dễ phát hành, phát triển song hành cùng Mạng xã hội và kết hợp cùng kinh nghiệm chọn và điều hành game lâu năm đã giúp các công ty này đưa webgame trở thành một xu thế giải trí mới, nhẹ nhàng và mới mẻ hơn sau nhiều năm thể loại MMORPG giữ vị thế độc tôn. 


SGame là một điển hình về sự thành công của các công ty nhỏ hiện nay với sự góp mặt của 2 nhân sự làm game khá nổi tiếng là ông Nguyễn Anh Dũng (VTC) hay Teddy Thành (FPT). Nếu ông Dũng được biết là người luôn tiên phong đưa các thể loại game mới về Việt Nam như Game nhảy (Audition), Game 3D lái máy bay (Phi đội), bắn súng FPS (Đột Kích) hay webgame (Linh Vương) về Việt Nam thì Teddy Thành là một game thủ chuyên nghiệp khá nổi tiếng trong cộng đồng game hardcore tại Việt Nam, từng là người quản lý trang thông tin game.gate thời còn mạnh mẽ.
Cũng như Sgame, SSGroup được hình thành từ một nhóm điều hành game cấp cao của VNG từng nổi tiếng với những sản phẩm như Võ Lâm Truyền Kỳ hay Kiếm Thế. Luôn định hình sự phát triển gắn liền với game, NPH này đã cho ra mắt hàng loạt các sản phẩm webgame cốt truyện Kim Dung và Tam Quốc trong thời gian qua.
Thậm chí sự xuất hiện của SSGame trực thuộc SSGroup đã khiến nhiều doanh nghiệp phát hành game lớn phải dè chừng khi chỉ mất chưa đầy 1 tháng chuẩn bị để launch thành công một MMO mới, đó chính là IMBay và sắp tới là game về Đảo Hải Tặc.


Cùng với 2 đại gia webgame mới nổi là Sgame và SSGroup, còn xuất hiện của khá nhiều công ty khác nhưVivoo, CMN Game, SunSoft…. “Đứng mũi chịu sào” của những công ty này gồm những nhân vật khá nổi tiếng trong mảng nội dung số như cựu CEO FPT Online Lương Công Hiếu, cựu phó tổng giám đốc FPT Online Phạm Quốc Thắng hay cựu giám đốc đối ngoại VTCzOne Lê Thanh Minh.

Sự xuất hiện của cổng game mới Soha Game với loạt webgame hợp tác với các NPH nhỏ gần đây cũng là một cách làm đầy hứa hẹn và khôn ngoan, vừa khiến thị trường phong phú hơn lại vừa là điểm tựa cho các doanh nghiệp chưa đủ sức vận hành sản phẩm lớn. Các công ty này đều đã có hoặc sắp ra mắt những sản phẩm webgame mới với thể loại khá đặc biệt dành cho dân yêu thể thao, hay lứa tuổi teen yêu thích thể loại hoạt hình Manga và Anime Nhật Bản. 


Phá vỡ thế “kiềng 3 chân”


Sự xuất hiện của các công ty game nhỏ dường như đã phá thế “kiềng 3 chân” mà 3 đại gia GO là VNG - FPT - VTC lập ra trong nhiều năm nay. Đồng thời dự báo một cuộc cạnh tranh mới khá khốc liệt trong thị trường webgame nói riêng và nội dung số nói chung trong thời gian tới.
Sự ra đi của các nhân sự cấp cao của VNG, FPT hay VTC cũng như sự thành công của các NPH nhỏ cũng cho thấy thị trường game ngày càng cân bằng hơn khi game thủ có thêm một loại hình giải trí mới lạ và hấp dẫn. Dần dần hình thành một xu hướng giải trí game mới nhẹ nhàng và đỡ tốn tiền bạc cũng như thời gian hơn, điều này phù hợp với một lượng đông game thủ là giới văn phòng hiện nay.


Các ông lớn cũng phải tự làm mới mình nếu không muốn bị qua mặt.
Thậm chí, thời gian qua ít ai biết rằng giữa 2 ông lớn FPT Online và VTC Game đã có một cuộc "thay máu" khá lớn với không ít nhân sự luân chuyển giữa 2 bên, đánh dấu nỗ lực tự làm mới mình để chống lại những "tiểu bá vương" như SGame hay SSGroup. Nói cách khác, giữa thời thế loạn lạc như hiện nay thì thế chân vạc đã thực sự lung lay.


Cùng với sự phát triển phi mã của MXH, webgame đã nhanh chóng trở thành món ăn ưa thích của các tín đồ Internet - những người có sở thích lên mạng hay ngồi máy tính để giết thời gian rảnh rỗi. Trồng cây, thu hoạch vườn, xây thành phố, mở quán café đã là những trò chơi phổ biến của hàng triệu gamer Việt Nam hàng ngày. Chơi game trên mạng xã hội đang là xu hướng chung khi game thủ chán “cầy kéo” trong game nhập vai.


Có thể khẳng định rằng, những công ty ở quy mô nhỏ hoặc mới thành lập đang là tương lai của ngành game Việt và lựa chọn webgame để phát hành chính là con đường đúng đắn nhất do phù hợp với khả năng của họ, đồng thời cũng mở ra triển vọng sẽ có thể sản xuất ngày càng nhiều hơn nữa những webgame “made in Việt Nam” mang nội dung thuần Việt trong một ngày không xa.


Cần thêm nhiều "tiểu bá vương" hơn nữa để thị trường game Việt trỗi dậy.
Những con người làm game tại các NPH nhỏ sau một thời gian được “tôi luyện” trong môi trường lớn nay đã có thể “tự bơi” ra ra biển lớn, nhiều thách thức cũng như không ít cơ hội tự khẳng định mình trong lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng này tại Việt Nam. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét